Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Rau gia vị chữa đau dạ dầy,tẩy giun



Những cây rau gia vị quen thuộc trong bữa ăn như mùi tàu, thì là hay cây mơ lông, kết hợp với một số vị khác sẽ trở thành những bài thuốc đông y chữa hiệu quả nhiều chứng bệnh như đầy hơi, sốt rét, bí tiểu tiện, trị giun, đau dạ dày…
Cây mùi tàu
Trị chứng ăn không tiêu: Khi bị lạnh bụng, ăn không tiêu, đầy trướng bụng thì lấy 50g rau mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ, 1 củ gừng tươi nhỏ rửa sạch giã nát. Hai thứ trên cho vào niêu đất, đổ 3 bát nước (bát ăn cơm) sắc khi còn 1 bát chia uống 2 lần trong ngày. Mỗi lần uống cách nhau 4 tiếng.
Trị chứng chướng khí, thở mệt: Lấy rau mùi tàu tươi rửa sạch, phơi khô nơi thoáng mát. Mỗi lần sắc 30 – 40g với 2 bát nước còn 2/3 bát thì chia uống làm 2 lần.
Trị chứng đầy hơi: Khi bị đầy hơi, cảm sốt lấy 10 16g rau mùi tàu rửa sạch, vò nát hãm như hãi chè tươi, chia uống nhiều lần trong ngày.
Trị chứng sổ mũi, sốt nhẹ do nhiễm lạnh: Lấy 20g rau mùi tàu rửa sạch, thái khúc, 30g thịt bò băm nhỏ, vài lát gừng tươi. Đem nấu chín với 400ml nước. Món này ăn nóng. Khi ăn cho thêm ít hạt tiêu. Sau khi ăn xong, đắp chăn kín cho ra mồ hôi sẽ khỏi.
Cây thìa làBổ tỳ, bổ thận: Dùng cây rau thìa là luộc chín, trộn với dầu, muối, ăn kiên trì sẽ có kết quả tốt.
Chữa chứng tỳ yếu, thận suy: Dùng 50g quả thìa là sắc với 300ml nước, còn 100ml thì chia uống trong ngày mỗi lần uống khoảng 30 – 50ml. Kiên trì dùng liên tục 5 – 7 ngày sẽ cho kết quả tốt.
Chữa chứng sốt rét: Khi bị sốt rét, nhất là sốt rét ác tính lấy ngay hạt thìa là tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống hoặc sắc lên uống cũng có công hiệu.
Chữa chứng đái rắt: Khi đi tiểu thấy đau buốt, tiểu liên tục cả ngày lẫn đêm, lượng nước tiểu ít thì dùng một nắm thìa là, tẩm với nước muối, sao vàng, tán bột mịn, dùng bánh dầy chấm với bột này ăn rất tốt.
Chữa chứng đờm ứ trệ, tiêu hoá kém: Dùng 3 – 4g hạt thìa là nhai thật kỹ rồi nuốt cả nước lẫn bã.
Cây mơ lông
Rau gia vi chua dau da day tay giun 2
Cây mơ lông
Trị chứng kiết lỵ mới phát hoặc kiết lỵ lâu ngày: Nếu bị lỵ mới phát thì lấy 1 nắm lá mơ, 1 nắm lá phèn đen rửa sạch, nhúng qua nước sôi, vảy khô, giã nát, vắt lấy nước cốt uống, ngày 2 – 3 lần. Nếu bị lỵ lâu lấy 1 nắm lá mơ tươi lau bằng khăn sạch thái nhỏ, đập 1 quả trứng gà trộn đều, bọc lá chuối nướng chín, hoặc cho lên chảo rang khô, không cho gia vị. Ăn ngày 3 lần, ăn liên tục vài ngày là khỏi.
Hoặc lá mơ lông 20g, cỏ phượng vĩ 20g, hạt cau 25g, cỏ sữa lá nhỏ 100g, rau sam 100g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trong ngày.
Trị chứng tiêu chảy do nóng: Lá mơ 16g, nụ sim 8g, sắc với 500ml nước còn 200ml chia uống 2 lần trong ngày.
Trị giun: nếu bị giun kim, giun đũa thì lấy 50 lá mơ rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, cho ít muối uống vào buổi sáng lúc đói rất hiệu nghiệm. Ngoài ra có thể lấy 30g lá rau mơ tươi (cả lá và ngọn) rửa sạch, cho thêm 50ml nước sôi để nguội, thụt vào hậu môn trước khi đi ngủ sẽ trị được giun kim.
Trị chứng bí tiểu tiệnsỏi thận gây bí tiểu thì lấy rau mơ sắc uống ngày vài lần cho kết quả tốt.
Trị chứng đau dạ dày: Lấy khoảng 20 – 30g lá mơ lông rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt uống 1 lần trong ngày. Kiên trì dùng sẽ có hiệu quả.

Các bài thuốc chữa viêm loét dạ dầy


Viêm loét dạ dày – tá tràng là một bệnh rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân gây nên. Theo y học cổ truyền (YHCT), bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng thuộc phạm vi chứng vị quản thống với các thể: vị âm hư suy, tỳ vị hư hàn và can khí phạm vị.
Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc YHCT có hiệu quả tốt trong điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng thể tỳ vị hư hàn và vị âm hư suy.

Thể tỳ vị hư hàn

Triệu chứng: Đau vùng thượng vị liên miên, nôn nhiều, mệt mỏi, thích xoa bóp và chườm nóng, đầy bụng, nôn ra nước trong, sợ lạnh, tay chân lạnh, đại tiện phân nát, có lúc táo, rêu lưỡi trắng, chất lưỡi nhợt, mạch hư tế.

Phương pháp chữa: Ôn trung kiện tỳ (ôn bổ tỳ vị, ôn vị kiện trung).

Bài 1: Bố chính sâm 12g, bán hạ chế 6g, lá khôi 20g, sa nhân 10g, gừng 4g, trần bì 6g, nam mộc hương 10g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Hoàng kỳ kiến trung thang gia giảm: hoàng kỳ 16g, quế chi 8g, sinh khương 6g, bạch thược 8g, cam thảo 6g, đại táo 12g, hương phụ 8g, cao lương khương 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Nếu đầy bụng, ợ hơi (khí trệ) thêm chỉ xác, mộc hương mỗi thứ 6g, trong bụng óc ách nước, nôn ra nước trong bỏ quế chi, thêm bán hạ chế 8g, phục linh 8g.

Bài 3: Hương sa lục quân tử thang hợp Lý trung thang gia giảm: đảng sâm 9g, bạch truật 9g, bán hạ 9g, phục linh 12g, trần bì 6g, can khương 4g, ngô thù 4g, mộc hương 6g, cam thảo 6g, sa nhân 6g.

- Nếu hàn nhiều gia nhục quế 4g, nếu khí hư nhiều gia trích hoàng kỳ 12g.

Thể vị âm hư suy
Triệu chứng: Vùng thượng vị đau âm ỉ, không muốn ăn, miệng khô, đại tiện táo, lưỡi đỏ khô, mạch tế hoặc tế sác.

Pháp điều trị: tư dưỡng vị âm.

Bài 1: Sa sâm mạch đông thang hợp Thược dược cam thảo thang: sa sâm 12g, mạch môn đông 12g, ngọc trúc 9g, thạch hộc 12g, bạch thược 12g, cam thảo 6g, phật thủ 9g. Sắc uống ngày 1 thang.

- Nếu âm hư nhiều – trường hợp thiểu toan của dạ dày có thể gia sơn tra 10g, ô mai 10 quả, mộc qua 6g.

- Nếu kết quả sinh thiết thấy niêm mạc dạ dày loạn sản ruột, trường hợp tăng sinh không điển hình gia nga truật 12g, bạch hoa xà thiệt thảo 20g, bán chi liên 20g.

- Nếu viêm dạ dày cấp và loét trợt xuất huyết gia liên kiều 12g, bồ công anh 20g, phù dung diệp 12g.

Bài 2: Nếu thiểu toan dạ dày có thể dùng bài Ô mai hoàn: ô mai 10 quả, hoàng bá 18g, phụ tử chế 8g, hoàng liên 8g, quế chi 6g, can khương 6g, tế tân 6g, đương quy 8g, đảng sâm 12g, xa tiền 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Nguyên nhân – cơ chế bệnh sinh theo YHCT
- Do tình chí bị kích thích, dẫn đến can khí uất kết mất khả năng sơ tiết, làm rối loạn khí cơ thăng thanh giáng trọc của tỳ vị mà gây ra các triệu chứng đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua… u uất buồn giận thương tổn can, can khí mất sơ thông, hoành nghịch phạm vị, tạo thành can vị bất hòa. Vị khí không thông giáng thì buồn nôn, nôn, ợ hơi. Can khí uất lâu hóa hỏa, hỏa tà thương tổn âm dẫn tới đau tăng lên.

- Hoặc do ăn uống thất thường, ăn nhiều các chất chua cay… làm tỳ vị bị tổn thương mất khả năng kiện vận, hoặc do tiên thiên bất túc (tỳ vị hư) hàn tà nhân đó xâm nhập vào gây khí trệ, huyết ứ mà sinh ra các cơn đau.

Phòng ngừa bệnh gan bằng lá vọng cánh

Không chỉ quen thuộc trong các bữa ăn, lá vọng cách có nhiều tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là bệnh về gan và đường tiêu hóa do bia rượu.
Ở nước ta, từ xưa vọng cách là thứ lá quen thuộc trong các bữa ăn của nhiều gia đình nhà nông, đặc biệt trong các bữa cơm có đồ ăn sống như gỏi cá, tôm… hay bia rượu.

Theo kinh nghiệm dân gian, khi ăn đồ sống, hay uống bia rượu nhiều, mà dùng cùng với lá vọng cách có thể hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa, gan mật.
Lá vọng cách còn được người dân ở vùng Nam Định dùng để chữa lỵ, tiểu tiện khó, tiêu hóa kém, viêm gan. Rễ dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, sốt, chữa bệnh về gan, tiểu đường… 
Ở Indonesia, người ta cũng sắc lá vọng cách làm thuốc lợi sữa và chữa thấp khớp. Ở Malaysia, nước sắc lá và rễ dùng hạ sốt. Ở Ấn Độ, rễ vọng cách được dùng để nhuận tràng, lợi dạ dày, trợ tim, nước sắc cây non trị thấp khớp, đau dây thần kinh...
Từ năm 2008 các nhà khoa học thuộc Viện dược liệu, Viện khoa học công nghệ đã phối hợp cùng 2 trường Đại học Y và Dược Hà Nội tiến hành đề tài “Nghiên cứu tác dụng chống viêm của cao lỏng lá vọng cách trên thực nghiệm”, “Nghiên cứu đặc điểm thực vật, thành phần hóa học và một số tác dụng sinh học của cây vọng cách thu hái ở Nam Định”...
Đây là những bằng chứng khoa học đầu tiên về tác dụng sinh học của loài cây này. Kết quả các nghiên cứu trên cho thấy lá vọng cách có tác dụng bảo vệ gan, chống viêm và giảm đau trên mô hình thực nghiệm với chuột. Cao lỏng lá vọng cách làm giảm men gan ALT, biểu hiện tổn thương gan giảm.

Chữa dạ dầy bằng hoa lăng tiêu


Chữa đau dạ dày bằng hoa lăng tiêu

Không chỉ là cây cảnh đẹp, hoa lăng tiêu còn có thể hỗ trợ chữa nhiều chứng bệnh như viêm gan vàng da, viêm dạ dày, rong kinh, chảy máu cam...
tp3

Theo Đông y, lăng tiêu tính lạnh, vị chua, có tác dụng chống ứ, làm mát huyết. Bộ phận làm thuốc là cả cây hoa lăng tiêu.

Viêm gan vàng da, lỵ cấp tính: Lấy 15 gr lá, 15 gr rễ lăng tiêu rửa sạch, sắc nước uống.

Viêm dạ dày, ruột cấp tính: Lấy 30 gr rễ lăng tiêu, ba lát gừng tươi rửa sạch sắc uống hằng ngày.

Đau bụng do co thắt dạ dày, ruột: 60 gr hoa lăng tiêu, 30 gr đương quy, 30 gr nghệ đen. Đem các vị trên sấy khô, tán bột. Ngày uống hai lần, mỗi lần 5 gr.

Chảy máu cam: Lấy hoa lăng tiêu rửa sạch, nghiền nát, chắt lấy nước cốt, nhỏ mũi.

Kinh nguyệt không đều: Lấy 9 gr hoa lăng tiêu, 6 gr hồng hoa, 9 gr hoa hồng, 15 gr đan sâm, 15 gr ích mẫu thảo, rửa sạch, rửa sạch sắc nước uống.

Rong kinh: Lấy hoa lăng tiêu khô tán bột mịn mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 3 - 6 gr với nước ấm hoặc rượu có nồng độ thấp.

Tiêu lỏng ở trẻ em: Lấy 9 - 15 gr rễ hoặc lá lăng tiêu tươi, 1,5 gr vỏ củ gừng, rửa sạch, sắc lấy nước cho trẻ uống.

Lưu ý: Những người có thể trạng suy nhược, khí huyết hư yếu và phụ nữ có thai không được dùng vị thuốc có cây lăng tiêu.